KỸ THUẬT CẮT LẠNH MẢNH MÔ
I. NGUYÊN LÝ
Là phương pháp xét nghiệm mô bệnh học nhanh, thường được áp dụng trong phẫu thuật. Mặt khác, các lát cắt lạnh còn có thể dùng để nhuộm một số kỹ thuật đặc biệt như nhuộm mỡ… Khi mẫu mô được làm lạnh, nước ở trong mô chuyển thành đá và đóng vai trò như chất trung gian giữ hình dạng (khung) của mô, vì thế mô trở nên cứng và có thể cắt mỏng được.
II. CHUẨN BỊ
1. Người thực hiện
+ Bác sĩ giải phẫu bệnh – tế bào bệnh học
+ Kỹ thuật viên giải phẫu bệnh – tế bào bệnh học
2. Phương tiện, hoá chất
– Máy cắt lạnh đang ở trạng thái hoạt động.
– Dao sắc, thớt nhựa sạch, phẳng.
– Bộ dụng cụ phẫu tích bệnh phẩm.
– Phiến kính, lá kính sạch.
– Bút chì mềm (để ghi tên tuổi Người bệnh, mã số tiêu bản trên phiến kính).
– Giấy thấm, gạc sạch.
– Găng tay, khẩu trang, mũ, kính bảo vệ mắt và quần áo bảo hộ.
– Chổi lông mềm.
– Gel cắt lạnh.
– Cồn tuyệt đối.
– Thuốc nhuộm: Các thuốc nhuộm thông thường như Hematoxylin Eosin hoặc xanh Toluidin hoặc Diff-quick…Đối với các mảnh cắt lạnh cần nhuộm đặc biệt.
3. Bệnh phẩm
Do phòng mổ hoặc các khoa lâm sàng gửi đến.
4. Phiếu xét nghiệm
Yêu cầu ghi đầy đủ:
– Các thông tin về Người bệnh (họ tên, tuổi, giới).
– Khoa, phòng, bác sĩ yêu cầu xét nghiệm.
– Chẩn đoán lâm sàng, các triệu chứng lâm sàng, các kết quả cận lâm sàng khác.
– Loại bệnh phẩm gửi xét nghiệm, phương pháp lấy bệnh phẩm, vị trí, số lượng bệnh phẩm.
– Ngày, giờ lấy bệnh phẩm; ngày giờ chuyển đến khoa giải phẫu bệnh – tế bào bệnh học.
III. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH
1. Quy trình chuẩn bị
– Bệnh phẩm sau khi lấy ra từ BN được gửi ngay đến khoa giải phẫu bệnh – tế bào bệnh học.
– Kỹ thuật viên giải phẫu bệnh – tế bào bệnh học tiếp nhận, ghi các thông tin về Người bệnh vào sổ đăng ký và mã số Người bệnh.
– Ghi mã số của Người bệnh vào phiến kính và dán mã số vào hộp đựng bệnh phẩm.
2. Cắt lọc bệnh phẩm
– Bác sĩ giải phẫu bệnh quan sát bệnh phẩm, mô tả kỹ về loại bệnh phẩm, số lượng, đo kích thước, màu sắc, tính chất, mặt cắt… của bệnh phẩm, xác định vùng tổn thương cần lấy mẫu cắt lạnh.
– Động tác lấy bệnh phẩm phải nhẹ nhàng, tránh gây dập nát hay biến đổi do tác động cơ học.
– Không kẹp vào vùng định lấy mẫu xét nghiệm, không rửa mẫu mô.
– Dùng dao sắc cắt theo một hướng, sao cho đường cắt gọn, không bị dập nát
– Kích thước của mảnh mô được cắt tùy theo kích thước của vật gá mẫu bệnh phẩm của máy cắt lạnh, thông thường kích thước 1 x 1 x 0,2 cm.
– Số lượng mảnh cắt tuỳ từng trường hợp.
3. Làm lạnh mẫu bệnh phẩm và cắt, nhuộm mảnh mô
– Đặt mẫu bệnh phẩm vào gá đúc lạnh rồi đưa ngay vào vị trí tương ứng trên thanh làm lạnh (Cryobar) trong buồng làm lạnh của máy, phủ gel cắt lạnh, xoay khối Head tracter đặt lên trên khuôn đúc chứa bệnh phẩm rồi đóng kín cửa kính phía trên buồng máy, chờ cho đến khi khối bệnh phẩm đông cứng (có màu trắng).
– Mẫu mô sau khi đã đông cứng được cắt thành những lát thật mỏng. Bắt đầu cắt thô với độ dày từ 10-15 micromet để tạo mặt phẳng. Sau đó điều chỉnh độ dày lát cắt từ 2-5 micromet. Quay máy cắt với nhịp độ vừa phải.
– Kết hợp với chổi lông mềm dàn mảnh mô lên phiến kính.
– Cố định mảnh mô: (để cấu trúc mô và tế bào giữ nguyên hình dáng và bắt màu thuốc nhuộm), sau khi lát cắt được dàn lên phiến kính, phải được cố định ngay bằng cồn tuyệt đối 95-960 hoặc cồn acetic-formol trong 20 giây.
– Nhuộm mảnh mô: Có nhiều loại thuốc nhuộm khác nhau, mỗi loại có tính chất bắt màu nhân và bào tương khác nhau, tùy thuộc vào kinh nghiệm của từng cơ sở giải phẫu bệnh – tế bào bệnh học để lựa chọn phương pháp nhuộm phù hợp. Tuy nhiên, vì yêu cầu của cắt lạnh để chẩn đoán nhanh, thời gian nhuộm ngắn, nên thuốc nhuộm thường dùng là xanh Toluidin, Diff-Quick, HE… Thời gian nhuộm từ vài chục giây đến 2 phút.
– Sau khi đã lấy đủ bệnh phẩm cho cắt lạnh, cố định phần bệnh phẩm còn lại sau cắt lạnh (để xử lý, cắt, nhuộm thường quy – đối chiếu với chẩn đoán cắt lạnh và nhuộm đặc biệt nếu cần thiết).
– Vệ sinh dụng cụ, máy cắt lạnh
IV. KẾT QUẢ
Mảnh cắt mỏng, phẳng, không bị nhăn hay gấp, bắt màu thuốc nhuộm rõ và đồng đều, độ tương phản tốt.
V. NHỮNG SAI SÓT VÀ CÁCH XỬ TRÍ
– Mẫu bệnh phẩm bị khô hoặc mềm: Thường do nhiệt độ buồng lạnh hoặc thời gian làm lạnh chưa hợp lý: Cần điều chỉnh lại cho hợp lý.
– Mảnh cắt bị xước, gấp hoặc rách: thường do lưỡi dao cùn, chổi lông cứng hoặc thao tác không khéo: Nên thay lưỡi dao hoặc chổi lông mới, thao tác nhẹ nhàng.
– Lấy chưa trúng và chưa đủ mẫu bệnh phẩm: Cần lấy thêm và cắt nhuộm lại.
– Mẫu bệnh phẩm nhiều mô mỡ cần cắt các lát dày hơn (5-10 micromet)
Nguồn: Quyết định số 5199/QĐ-BYT ngày 25/12/2013 của Bộ Y tế ban hành tài liệu “Hướng dẫn quy trình kỹ thuật chuyên ngành Giải phẫu bệnh- Tế bào học”